Giới thiệu đất nước - con người Afganistan
Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan (Hán-Việt: A Phú Hãn; chữ Hán: 阿富汗; tiếng Pashtu: د افغانستان اسلامي جمهوریت Da Afġānistān Islāmī jomhoriyat; tiếng Dari: جمهوری اسلامی افغانستان jomhoriye-e Eslāmī-ye Afġānistān)
Là một quốc gia nằm giữa lục địa châu Á, có tên cũ là Nhà nước Hồi giáo Afghanistan (د افغانستان اسلامي دول Da Afghanistan Islami Dawlat). Tùy theo trường hợp nước này có thể bị coi là thuộc Trung và/hay Nam Á cũng như Trung Đông[2][3][4].
Về mặt tôn giáo, ngôn ngữ, dân tộc và địa lý nước này có quan hệ với hầu hết các quốc gia láng giềng. Afghanistan có đường biên giới dài với Pakistan ở phía nam và phía đông[5], Iran ở phía tây, Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan ở phía bắc, và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở khu vực viễn đông bắc. Cái tên Afghanistan có nghĩa "Vùng đất của người Afghan".
Afghanistan bao gồm nhiều nhóm sắc tộc, và nằm ở ngã tư đường giữa Đông và Tây. Nước này từng là một trung tâm thương mại và di cư cổ đại. Vùng này cũng đã trải qua nhiều lần bị xâm lược và chinh phục, gồm cả từ Đế quốc Ba Tư, Alexandros Đại đế, người Ả Rập Hồi giáo, các dân tộc người Turk và những người du mục Mông Cổ, Đế quốc Anh, Liên bang Xô Viết và cả Hoa Kỳ.
Ahmad Shah Durrani đã tạo lập đất nước Afghanistan ở giữa thế kỷ 18 với tư cách một quốc gia lớn, có thủ đô tại Kandahar[6]. Sau đó, đa phần lãnh thổ quốc gia đã bị nhượng lại cho các quốc gia xung quanh ở đầu thế kỷ 20, sau những cuộc xung đột khu vực. Ngày 19 tháng 8 năm 1919, sau cuộc chiến tranh Anh-Afghan lần thứ ba, đất nước này đã giành lại độc lập hoàn toàn từ Anh Quốc về đối ngoại.
Từ năm 1978, Afghanistan đã phải trải qua một cuộc nội chiến kéo dài và đẫm máu, với sự can thiệp từ nước ngoài dưới hình thức Chiến tranh Xô viết tại Afghanistan và cuộc xung đột năm 2001 với Hoa Kỳ trong đó chính phủ Taliban cầm quyền đã bị lật đổ. Tháng 12 năm 2001, Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc đã cho phép thành lập một Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế (ISAF).
Lực lượng này, gồm binh lính NATO, đã hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai trong việc thiết lập an ninh trên toàn quốc. Năm 2005, Hoa Kỳ và Afghanistan đã ký kết một thoả thuận đối tác chiến lược cam kết mối quan hệ lâu dài giữa hai quốc gia. Cùng lúc ấy, khoảng 30 tỷ dollar Mỹ cũng đã được cộng đồng quốc tế rót vào cho việc tái thiết đất nước.
Afghanistan lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 16 tháng 9 năm 1974.
Nguồn gốc từ "Afghan"
Người Pashtuns đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ Afghan là tên gọi họ ít nhất từ thời kỳ Hồi giáo trở về sau. Theo W. K. Frazier Tyler, M. C. Gillet và nhiều học giả khác, "Từ Afghan lần đầu xuất hiện trong lịch sử ở thời Hudud-al-Alam năm 982. Bách khoa toàn thư Iran giải thích[7]:
"Từ một quan điểm sắc tộc và có tính hạn chế hơn, 'Afghān' là thuật ngữ những người Afghanistan nói tiếng Ba Tư (và nói chung những nhóm sắc tốc không sử dụng tiếng Paštō) chỉ người Paštūn. Sự cân bằng [của] Afghan [và] Paštūn đã được phổ biến rộng rãi cả bên trong và bên ngoài Afghanistan, bởi liên minh bộ tộc Paštūn chiếm ưu thế áp đảo trong nước, cả về dân số và chính trị."
Từ điển giải thích thêm:
"Thuật ngữ 'Afghān' có lẽ đã được dùng để chỉ người Paštūn từ những thời cổ đại. Dưới hình thức Avagānā, nhóm sắc tộc này lần dầu tiên đã được nhà thiên văn học Ấn Độ Varāha Mihira đề cập ở đầu thế kỷ thứ 6 trong tác phẩm Brihat-samhita của ông."
Bằng chứng trong văn học Pashto truyền thống ủng hộ lý thuyết này, ví dụ trong những văn bản thế kỷ 17 nhà thơ Pashto Khushal Khan Khattak đã viết[8]:
"Rút kiếm ra và giết chết bất kỳ kẻ nào, kẻ nói Pashtun và Afghan không phải là một! người Ả Rập biết điều này và người Roma cũng thế: người Afghan là người Pashtun, người Pashtun là người Afghan!"
Ý nghĩa và nguồn gốc cái tên "Afghanistan"
Phần cuối của cái tên, -stān, là một hậu tố Ấn-Iran với nghĩa "địa điểm", nó rất thường xuất hiện trong các ngôn ngữ trong vùng.
Thuật ngữ "Afghanistan", nghĩa "Vùng đất của người Afghan", từng được Babur, Hoàng đế Môgôn, đề cập tới ở thế kỷ 16 trong cuốn hồi ký của ông, để gọi những vùng lãnh thổ phía nam Kabul nơi người Pashtun sinh sống (được gọi là "Afghans" bởi người Babur)[9]. Về quốc gia "Afghanistan" hiện đại, Bách khoa toàn thư Hồi giáo[10] đã viết:
"Afghānistān đã mang tên này từ giữa thế kỷ 18, khi quyền ưu của tộc người Afghan (Pashtun) bắt đầu được khẳng định: trước đó các tỉnh có tên gọi khác nhau, nhưng đất nước không phải là một đơn vị chính trị xác định, và các thàh phần của nó không liên kết với nhau bởi sự đồng nhất chủng tộc hay ngôn ngữ. Trước kia từ này chỉ đơn giản có nghĩa 'vùng đất của người Afghan', một vùng lãnh thổ hạn chế không bao gồm nhiều phần hiện nay của quốc gia nhưng thực sự có bao gồm các vùng lãnh thổ hiện đã độc lập hay đang ở trong lãnh thổ Pakistan."
Cho tới thế kỷ 19, cái tên này chỉ được sử dụng cho vùng đất truyền thống của người Pashtun, trong khi thực thể gồm cả vương quốc được gọi là Vương quốc Kabul, như đã được nhà sử học Anh Mountstuart Elphinstone nói tới[11]. Những vùng khác của đất nước trong một số giai đoạn được thừa nhận như những vương quốc độc lập, như Vương quốc Balkh ở cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19[12].
Với sự mở rộng và tập trung hóa của quốc gia, chính quyền Afghan đã chấp nhận và mở rộng cái tên "Afghanistan" cho toàn bộ vương quốc, sau khi cái tên dịch sang tiếng Anh của nó, "Afghanland", đã xuất hiện trong nhiều hiệp ước giữa British Raj và Triều đại Qajar Ba Tư, để chỉ những vùng đất phụ thuộc Triều đại Barakzai của người Pashtun tại Kabul[13]. "Afghanistan" trở thành cái tên chỉ toàn bộ vương quốc đã được biết đến lần đầu năm 1857 bởi Friedrich Engels[14].
Nó đã trở thành tên chính thức khi nước này được cộng đồng quốc tế công nhận năm 1919, sau khi giành lại độc lập hoàn toàn từ người Anh[15] và được tái xác nhận trong bản hiến pháp đất nước năm 1923[
Địa lý
Afghanistan là một nước nhiều đồi núi nằm kín trong lục địa tại vùng Trung Á, với các đồng bằng ở phía bắc và phía tây nam. Điểm cao nhất là Nowshak, độ cao 7.485 m (24.557 ft) trên mực nước biển. Phần lớn lãnh thổ có khí hậu khô và nguồn nước ngọt rất hạn chế.
Afghanistan có khí hậu lục địa, với mùa hè nóng và mùa đông lạnh. Tại đất nước này thường xảy ra những trận động đất nhỏ, chủ yếu ở những vùng núi phía đông bắc Hindu Kush.
Với diện tích 647.500 km² (249.984 mi²), Afghanistan là nước lớn thứ 41 trên thế giới (sau Myanma). Nước này hơi nhỏ hơn tiểu bang Texas của Hoa Kỳ.
Các nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia gồm vàng, bạc, đồng, kẽm và quặng sắt ở những vùng đông nam; đá quý và bán quý như lapis, ngọc lục bảo và azure ở vùng đông bắc; và tiềm năng dầu mỏ cùng khí gas khá lớn ở phía bắc.
Đất nước này cũng có than, chromite, đá tan, barites, sulfur, chì, và muối. Tuy nhiên, những nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng khá quan trọng đó phần lớn vẫn chưa được khai thác vì những ảnh hưởng của cuộc xâm lược Xô viết và cuộc nội chiến sau đó. Những kế hoạch hiện đang được triển khai nhằm khai thác chúng trong tương lai
Lịch sử
Việc khai quật những địa điểm tiền sử của Louis Dupree, Đại học Pennsylvania, Viện Smithsonian và những tổ chức khác cho thấy, con người đã sống tại nơi hiện là Afghanistan từ ít nhất 50.000 năm trước, và các cộng đồng biết canh tác trong vùng là một trong số những cộng đồng xuất hiện sớm nhất trên thế giới.[21][22]
Afghanistan là đất nước ngã tư đường nơi nhiều nền văn minh Ấn-Âu đã tương tác và thường xung đột với nhau, và đây cũng là một vị trí quan trọng của hoạt động thời cổ. Qua các giai đoạn, vùng này đã trở thành nơi sinh sống của nhiều sắc tộc, trong số đó có người Aryan (các bộ tộc người Ấn-Iran), như Kambojas, Bactria, Ba Tư, vân vân.
Nước này cũng đã bị xâm lược hay chinh phục bởi nhiều dân tộc khác, gồm các đế quốc Media Ba Tư, Hy Lạp, người Kushan, người Hepthalite, người Ả Rập, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Mông Cổ, Anh Quốc, Liên bang Xô Viết, và gần đây nhất là Hoa Kỳ và các đồng minh của họ. Mặt khác, những thực thể xuất hiện tại đây cũng đã xâm lược hay chinh phục các vùng xung quanh tại Cao nguyên Iran và Tiểu lục địa Ấn Độ để thành lập lên các đế chế của riêng họ.
Khoảng giữa năm 2000 và 1200 trước Công Nguyên, những làn sóng người Aryan nói tiếng Ấn-Âu từ phía bắc sông Amu Darya được cho là đã tràn xuống các vùng phía bắc Afghanistan và sau đó mở rộng về phía nam về hướng Ấn Độ và phía đông tới Ba Tư, lập lên một quốc gia trong thời kỳ cai trị của người Medes và người Ba Tư Achaemenid và được biết đến với cái tên Aryānām Xšaθra hay Airyānem Vāejah.
Sau này, dưới thời cầm quyền của đế quốc Ashkanian (Parthia), đế quốc Sassanid và sau đó được gọi là Erānshahr (Ba Tư: ايرانشهر - Īrānšahr) có nghĩa "Lãnh địa của người Aryan", gồm cả nhiều phần tại Lưỡng Hà, Caucasus, Armenia, Azerbaijan, Iran và Trung Á hiện nay (Afghanistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, phần phía tây của Pakistan, vân vân, phụ thuộc vào những cách định nghĩa khác nhau).
Có suy xét cho rằng Bái hỏa giáo (đạo thờ lửa) đã bắt nguồn từ Afghanistan hiện nay trong khoảng năm 1800 tới 800 trước Công Nguyên[cần dẫn nguồn]. Các ngôn ngữ Đông Iran, như tiếng Avestan, có thể đã được sử dụng tại vùng này trong khoảng thời gian tương đương với sự xuất hiện của Bái hỏa giáo.
Tới giữa thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, Đế chế Ba Tư của nhà Achaemenid đã chiếm chỗ Đế chế Media và gồm cả cái hiện gọi là Ba Tư của người Hy Lạp vào trong các biên giới của nó; và tới năm 330 trước Công Nguyên, Alexandros Đại đế đã xâm chiếm Afghanistan và chinh phục những vùng xung quanh.
Sau một thời gian ngắn dưới sự cai trị của Alexandros, các quốc gia hậu thân của nền văn minh Hy Lạp cổ như Seleucid và Hy-Bactria đã chinh phục vùng này, trong khi nhà Maurya từ Ấn Độ đã sáp nhập vùng đông bắc trong một thời gian và du nhập Phật giáo vào đây cho tới khi vùng này lại quay trở lại thuộc quyền kiểm soát của người Bactria.
Trong thế kỷ thứ nhất, người Kushan đã lập ra một đế chế to với trung tâm ở nước Afghanistan ngày nay và bảo hộ Phật giáo. Người Kushan đã bị người Sassanid đánh bại ở thế kỷ thứ 3. Dù nhiều vị vua cai trị tự gọi mình là người Kushan (và nói chung được gọi là người Kushano-Sassanian) tiếp tục cai trị ít nhất nhiều phần vùng ngày nay thuộc Afghanistan, có lẽ họ ít nhiều phụ thuộc người Sassanid.[23]
Tiếp sau người Kushan là người Hun Kidarite[24] và tới lượt họ cũng bị thay thế trong bởi một triều đại ngắn ngủi nhưng đã đạt tới đỉnh cao quyền lực của người Hephthalite, ở nửa đầu thế kỷ thứ 5.[25] Người Hephthalite bị vị vua Khosrau I nhà Sasanid đánh bại năm 557, ông đã tái lập quyền lực của người Sasanid tại Ba Tư. Tuy nhiên, những người kế vị người Kushan và Hepthalite đã lập lên một triều đình nhỏ tại Kabulistan được gọi là Kushan-Hephthalite hay Kabul-Shahan và sau này triều đình đó đã bị đánh bại bởi các đội quân Hồi giáo.
Từ thời Trung Cổ, cho tới thế kỷ 18, vùng này được gọi là Khorasan.[26][27] Vì vậy, nhiều trung tâm quan trọng của Khorāsān nằm tại Afghanistan ngày nay, như Balkh, Herat, Ghazni và Kabul.
Vùng Afghanistan đã trở thành trung tâm của nhiều đế chế lớn, gồm đế chế của người Samanid (875-999), Ghaznavid (977-1187), Đại Seljuk (1037-1194), Ghurid (1149-1212), và Timurid (1370-1506). Trong số đó, đế chế Ghaznavid[28] của người Ghazni, và Timurid[29] của Herat được coi là một trong những thời kỳ chói lọi nhất trong lịch sử Afghanistan.
Năm 1219, vùng này bị quân đội Mông Cổ dưới quyền chỉ huy của Thành Cát Tư Hãn tàn phá. Thời kỳ cầm quyền của họ tiếp tục tới dòng Y Nhi, và kéo dài cho tới tận cuộc xâm lược của Timur Lenk ("Tamerlane"), một vị vua cai trị từ Trung Á.
Năm 1504, Babur, một hậu duệ của cả Timur Lenk và Thành Cát Tư Hãn, đã thành lập lên Đế quốc Môgôn với thủ đô tại Kabul. Tới đầu những năm 1700, Afghanistan bị kiểm soát bởi nhiều nhóm cầm quyền: người Uzbek ở phía bắc, nhà Safavid ở phía tây, và vùng còn lại thuộc người Môgôn, hay do các bộ lạc Afghan tự trị.
Năm 1709, Mirwais Khan Hotak, một người Afghan (Pashtun) địa phương thuộc dòng họ Ghilzai, đã lật đổ và giết chết Gurgin Khan, vị quan cai trị Kandahar của người Safavid. Mirwais Khan đã đánh bại người Ba Tư, đang tìm cách cải đạo người dân Kandahar từ dòng Hồi giáo Sunni sang Shi'a. Mirwais giữ vùng Kandahar cho tới khi ông mất năm 1715 và được con trai là Mir Mahmud Hotaki kế vị. Năm 1722, Mir Mahmud dẫn một đội quân Afghanistan tới Isfahan (hiện thuộc Iran), cướp bóc thành phố và tự phong mình thành Vua Ba Tư.
Tuy nhiên, đại đa số dân vẫn bất tuân với chế độ của người Afghanistan và đứng lên khởi nghĩa, và sau cuộc thảm sát hàng ngàn thường dân tại Isfahan của người Afghanistan – gồm cả hơn ba ngàn học giả tôn giáo, các vị quý tộc, và các thành viên gia đình Safavid – triều đại Hotaki cuối cùng đã bị lật đổ khỏi quyền lực bởi Nader Shah của Ba Tư - một viên tướng trung thành của nhà vua Safavid.[30][31]
Năm 1738, Nader Shah và quân đội của mình, gồm bốn ngàn người Pashtun và dòng họ Abdali,[32] đã chinh phạt vùng Kandahar; cùng năm ấy ông chiếm đóng Ghazni, Kabul và Lahore. Ngày 19 tháng 6 năm 1747, Nader Shah bị ám sát, có lẽ bởi chính người cháu trai là Ali Qoli.
Cùng năm ấy, một trong những chỉ huy quân đội của Nader và cũng là vệ sĩ riêng của ông, Ahmad Shah Abdali, một người Pashtun từ dòng họ Abdali, đã kêu gọi triệu tập một đại hội loya jirga sau khi Nader Shah băng hà.
Người Afghan đã tụ tập tại Kandahar và chọn Ahmad Shah làm vua. Từ đó, ông thường được coi là người sáng lập nước Afghanistan hiện đại.[1][33][34] Sau khi lên làm vua, ông đã đổi danh hiệu hay tên dòng họ thành "Durrani", xuất phát từ từ Durr trong tiếng Ba Tư, có nghĩa "Ngọc Châu".[32]
Tới năm 1751, Ahmad Shah Durrani và đội quân Afghan đã chinh phục toàn bộ Afghanistan, Pakistan, Khorasan và tỉnh Kohistan của Iran, cùng Delhi tại Ấn Độ ngày nay.[14] Tháng 10 năm 1772, Ahmad Shah về nghỉ tại nhà mình ở Maruf, Kandahar, và qua đời trong yên bình. Con trai ông, Timur Shah Durrani, lên nắm quyền và dời thủ đô từ Kandahar tới Kabul. Timur mất năm 1793 và được con trai là Zaman Shah Durrani kế vị.
Trong thế kỷ 19, sau những cuộc chiến tranh Anh-Afghanistan (giai đoạn 1839-42, 1878-80, và 1919) và sự thăng tiến của triều đại Barakzai, Afghanistan chứng kiến phần lớn lãnh thổ cũng như quyền tự trị của mình rơi vào tay Anh Quốc. Anh nắm giữ ảnh hưởng rất lớn, và chỉ tới khi Vua Amanullah Khan lên ngôi năm 1919 Afghanistan mới giành lại được quyền độc lập hoàn toàn của mình trong các vấn đề ngoại giao (xem "The Great Game").
Trong giai đoạn can thiệp Anh tại Afghanistan, các lãnh thổ của sắc tộc Pashtun bị chia theo Đường Durand. Điều này sẽ dẫn tới sự căng thẳng trong quan hệ giữa Afghanistan và Ấn Độ thuộc Anh – và sau này là nhà nước Pakistan mới thành lập – về cái sẽ được gọi là cuộc tranh cãi Pashtunistan.
Giai đoạn ổn định dài nhất tại Afghanistan là trong khoảng 1933 tới 1973, khi đất nước nằm dưới quyền cai trị của Vua Zahir Shah. Tuy nhiên, năm 1973, anh/em rể của Zahir Shah là Sardar Daoud Khan, đã thực hiện một cuộc đảo chính không đổ máu. Daoud Khan và toàn thể gia đình sau này đã bị giết hại năm 1978, khi Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan cộng sản tiến hành một cuộc đảo chính gọi là Cuộc cách mạng Saur vĩ đại và chiếm giữ quyền bính.
Sự đối đầu và nhiều cuộc xung đột bên trong nhiều chính phủ cộng sản tiếp diễn. Như một phần của cuộc Chiến tranh lạnh, năm 1979 Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Jimmy Carter và Cố vấn An ninh Quốc gia Zbigniew Brzezinski bắt đầu ngầm cung cấp tài chính và huấn luyện cho các lực lượng Mujahideen chống chính phủ thông qua cơ quan an ninh mật Pakistan được gọi là Inter Services Intelligence (ISI), họ là những người Hồi giáo bất mãn trong nước chống lại thuyết vô thần cộng sản của chế độ Mác xít.
Nhằm ủng hộ cho các lực lượng cộng sản Afghanistan, Liên bang Xô viết —trích dẫn Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Láng giềng thân thiện năm 1978 đã được ký kết giữa hai quốc gia— can thiệp vào nước này ngày 24 tháng 12 năm 1979. Theo các phương tiện truyền thông và các nguồn tin chính thức của chính phủ, khoảng 110.000 tới 150.000 quân Xô viết, với sự hỗ trợ của 100.000 hay hơn nữa quân đội ủng hộ cộng sản Afghan, đã hiện diện tại nước này. Giai đoạn chiếm đóng của Xô viết dẫn tới cuộc di cư hàng loạt của hơn 5 triệu người Afghan tới các trại tị nạn ở nước Pakistan, Iran và các nước láng giềng khác.
Hơn 3 triệu người đã định cư tại Pakistan, hơn 1 triệu người tại Iran và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đối mặt với nhiều sức ép quốc tế và con số hơn 15.000 binh lính thiệt mạng sau các cuộc đụng độ với các lực lượng Mujahideen được Hoa Kỳ, Pakistan, và các chính phủ khác huấn luyện, quân đội Xô viết đã phải rút đi sau mười năm, năm 1989.
Sự rút quân đội Xô viết khỏi Cộng hòa Dân chủ Afghanistan được coi là một thắng lợi về ý thức hệ tại Hoa Kỳ, nước đã hỗ trợ Mujahideen qua ba đời tổng thống nhằm ngăn cản sự mở rộng ảnh hưởng Xô viết tới vùng Vịnh Péc xích nhiều dầu mỏ. Sau khi quân đội Xô viết rút đi năm 1989, Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đã mất sự chú ý tới Afghanistan và giúp đỡ rất ít cho việc khôi phục đất nước đã bị tàn phá sau chiến tranh cũng như gây ảnh hưởng tới các sự kiện tại đó.
Liên bang Xô viết đã tiếp tục ủng hộ Tổng thống Najibullah (cựu nhân lãnh đạo cơ quan an ninh mật, KHAD) cho tới khi ông mất chức năm 1992. Tuy nhiên, thiếu sự hiện diện của các lực lượng Xô viết, chính phủ thân cộng sản không thể giữ được ưu thế và dần mất lãnh thổ vào tay các lực lượng du kích.[35]
Kết quả của những cuộc chiến là đại đa số giới trí thức cùng các tầng lớp tinh hoa Afghanistan đã rời bỏ đất nước ra nước ngoài, một khoảng trống quyền lãnh đạo nguy hiểm xuất hiện. Những cuộc chiến tiếp tục giữa nhiều phe phái Mujahideen, cuối cùng dẫn tới sự nổi lên của các lãnh chúa địa phương. Những trận đánh đẫm máu nhất trong cuộc nội chiến diễn ra năm 1994, khi hơn 10.000 người bị giết hại tại Kabul. Sự hỗn loạn và tình trạng tham nhũng lan tràn tại đất nước Afghanistan thời hậu Xô viết và là nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của Taliban, chủ yếu là người Pashtun thuộc vùng Helmand và Kandahar.
Taliban đã phát triển thành một lực lượng chính trị-tôn giáo, và cuối cùng chiếm Kabul năm 1996. Tới cuối năm 2000, Taliban đã chiếm được 95% lãnh thổ đất nước, chỉ còn lại sự đối đầu của các cứ điểm (Liên minh Bắc Afghan) mạnh chủ yếu ở phía bắc Tỉnh Badakhshan. Taliban đã tìm cách áp đặt một các giải thích bộ Luật Sharia Hồi giáo hà khắc và sau này bị coi là những người ủng hộ khủng bố, chủ yếu vì đã cung cấp chốn nương thân cho mạng lưới Al-Qaeda của Osama bin Laden.
Trong bảy năm cầm quyền của Taliban, đa số dân cư nước này phải sống trong tình trạng hạn chế đến cùng cực các quyền tự do và sự vi phạm vào quyền sống của họ. Phụ nữ bị cấm làm việc, trẻ em gái không được đi học. Những người chống đối bị trừng phạt ngay lập tức. Những người cộng sản bị tiêu diệt một cách có hệ thống và trộm cắp bị trừng phạt bằng cách chặt chân hoặc tay. Tuy nhiên, tới năm 2001 Taliban đã hầu như tiêu diệt được việc trồng cây thuốc phiện tại Afghanistan.[36]
Sau những vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, Hoa Kỳ tung ra Chiến dịch Tự do Bền vững, một chiến dịch quân sự nhằm tiêu diệt mạng lưới Al-Qaeda đang hoạt động tại Afghanistan và lật đổ chế độ đang chứa chấp chúng (chính phủ Taliban). Hoa Kỳ đã liên minh với Liên minh Miền bắc Afghan để thực hiện mục tiêu của mình.
Tháng 12 năm 2001, các lãnh tụ chính của các nhóm đối lập Afghan đã gặp gỡ tại Bonn, Đức, và đồng ý về một kế hoạch thành lập một chính phủ dân chủ mới dẫn tới việc Hamid Karzai, một người Pashtun từ thành phố miền nam Kandahar, trở thành chủ tịch Chính quyền Lâm thời Afghan.
Sau Loya Jirga toàn quốc năm 2002, Karzai đã được các đại biểu chọn lựa làm Tổng thống tạm quyền của Afghanistan. Năm 2003, nước này đã triệu tập một Loya Jirga (Hội đồng các Thủ lãnh) lập hiến và phê chuẩn một hiến pháp mới vào năm sau đó.
Hamid Karzai được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử toàn quốc tháng 10 năm 2004. Những cuộc bầu cử lập pháp được tổ chức tháng 9 năm 2005. Quốc hội – cơ quan lập hiến do bầu cử tự do đầu tiên tại Afghanistan từ năm 1973 – nhóm họp tháng 9 năm 2005, và đáng chú ý trong cuộc bầu cử này phụ nữ được tham gia với tư cách cử tri, ứng cử viên và cả người được bầu.
Tuy đất nước tiếp tục được khôi phục và tái xây dựng, cuộc đấu tranh chống sự nghèo đói, cơ sở hạ tầng lạc hậu, số lượng mìn dày đặc và nhiều loại vũ khí chưa nổ khác, cũng như việc trồng cấy và buôn bán bất hợp pháp thuốc phiện đang là vấn đề nghiêm trọng. Afghanistan tiếp tục phải đối phó với cuộc nổi loạn của Taliban, những mối đe doạ tấn công từ một số thành viên al Qaeda còn sót lại, và sự bất ổn, đặc biệt tại miền bắc, đã gây ra tình trạng các lãnh chúa bán độc lập.
Những biến cố mới nhất tại Afghanistan
Đầu năm 2007, các báo cáo về sự hiện diện ngày càng tăng của Taliban tại Afghanistan dẫn tới việc Hoa Kỳ phải xem xét tiến hành các chiến dịch quân sự lớn hơn, dài hơn và thậm chí phải tăng quân số. Theo một báo cáo do Robert Burns thuộc Associated Press đưa ra ngày 16 tháng 1 năm 2007, "Các quan chức quân sự Mỹ đã chỉ ra bằng chứng mới cho thấy quân đội Pakistan, vốn có những mối quan hệ từ lâu với phong trào Taliban, đã cố tình làm ngơ cho những cuộc xâm nhập của tổ chức này.
" Tương tự, "Một sĩ quan tình báo quân sự Mỹ đã nói với các phóng viên, số lượng những cuộc tấn công của bọn phiến loạn đã tăng 300 phần trăm từ tháng 9 năm [2006], khi chính phủ Pakistan đưa thỏa thuận hòa bình với các lãnh đạo bộ tộc vào thức hiện ở vùng miền bắc Waziristan, dọc theo biên giới phía đông của Afghanistan." Sản xuất thuốc phiện cũng tăng đều, chiếm một phần ba tới hai phần ba GDP quốc gia
Chính phủ và chính trị
Chính trị Afghanistan từ lâu đã bao gồm nhiều cuộc tranh giành quyền lực, đảo chính đẫm máu, và những cuộc chuyển giao quyền lực trong tình trạng bất ổn. Ngoại trừ một military junta (hội đồng thủ lãnh quân sự), đất nước này đã trải qua hầu như tất cả các hệ thống chính phủ trong thế kỷ qua, từ quân chủ, cộng hòa, chính trị thần quyền tới quốc gia cộng sản. Hiến pháp được Loya jirga 2003 phê chuẩn đã quy định chính phủ theo hình thức nhà nước Cộng hòa Hồi giáo gồm ba nhánh, (hành pháp, lập pháp và tư pháp).
Tổng thống hiện thời của Afghanistan là Hamid Karzai, được bầu tháng 10 năm 2004. Quốc hội hiện tại được bầu năm 2005. Trong số những đại biểu có cả các cựu thành viên mujahadeen, Taliban, cộng sản, những người cải cách, và Những người theo trào lưu chính thống Hồi giáo. 28% đại biểu là phụ nữ, lớn hơn 3% so với con số 25% tối thiểu do hiến pháp quy định. Điều này khiến Afghanistan, một nước từ lâu đã nổi tiếng về sự đàn áp phụ nữ thời Taliban, trở thành một trong những nước đứng đầu về số đại biểu nữ giới.
Tòa án tối cao Afghanistan hiện do Abdul Salam Azimi, một cựu giáo sư đại học, người từng là cố vấn pháp lý cho tổng thống, lãnh đạo.[37] Tòa án trước đó, được chỉ định trong giai đoạn chính phủ lâm thời, chủ yếu do những nhân vật thuộc trào lưu chính thống Hồi giáo điều khiển, trong đó gồm cả Chánh án Faisal Ahmad Shinwari.
Tòa đã đưa ra nhiều phán quyết gây tranh cãi, như việc cấm truyền hình cáp, tìm cách cấm đoán một ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004, và hạn chế quyền của phụ nữ, cũng như vượt quá quyền hạn do hiến pháp quy định khi ra những phán quyết về những công dân chưa bị đưa ra trước tòa. Tòa án hiện nay được coi là có tính trung lập cao hơn và do những nhân vật có chuyên môn cao hơn điều khiển, dù nó vẫn chưa đưa ra bất kỳ phán quyết nào
Lực lượng bảo vệ quốc gia
Afghanistan hiện có lực lượng cảnh sát 60.000 người. Nước này đang đặt kế hoạch tuyển dụng thêm 20.000 sĩ quan cảnh sát khác đưa con số lên tới 80.000 người. Dù về mặt chính thức cảnh sát chịu trách nhiệm giữ gìn trật tự dân sự, các lãnh đạo quân sự địa phương và vùng tiếp tục nắm quyền kiểm soát tại những vùng chưa ổn định. Cảnh sát đã bị buộc tội đối xử không thích hợp và tra tấn các tù nhân. Năm 2003 khu vực ủy nhiệm của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế, hiện thuộc quyền chỉ huy của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã được mở rộng tới vùng Kabul
Tuy nhiên tại một số vùng không thuộc quyền ủy nhiệm của lực lượng trên, các du kích địa phương vẫn nắm quyền kiểm soát. Ở nhiều vùng, các vụ phạm pháp không thể được điều tra bởi thiếu sự có mặt của lực lượng cảnh sát và/hay hệ thống thông tin liên lạc. Binh lính thuộc Quân đội Quốc gia Afghanistan đã được phái tới giữ gìn an ninh tại những nơi thiếu sự hiện diện của cảnh sát
Các tỉnh và quận
1. Badakhshan
2. Badghis
3. Baghlan
4. Balkh
5. Bamiyan
6. Daykundi
7. Farah
8. Faryab
9. Ghazni
10. Ghor
11. Helmand
12. Herat
13. Jowzjan
14. Kabul
15. Kandahar
16. Kapisa
17. Khost
18. Konar
19. Kunduz
20. Laghman
21. Lowgar
22. Nangarhar
23. Nimruz
24. Nurestan
25. Oruzgan
26. Paktia
27. Paktika
28. Panjshir
29. Parvan
30. Samangan
31. Sare Pol
32. Takhar
33. Wardak
34. Zabol
Mỗi tỉnh lại được chia tiếp thành quận/huyện và mỗi quận thường gồm một thành phố hay nhiều thị trấn.
Thống đốc tỉnh do Bộ nội vụ và các Quận trưởng cảnh sát chỉ định, người đứng đầu các quận do thống đốc chỉ định. Thống đốc là người đại diện của chính phủ và chịu trách nhiệm về mọi vấn đề hành chính và nghi lễ. Lãnh đạo cảnh sát và an ninh thường do Bộ nội vụ chỉ định và làm việc cùng với Thống đốc để bảo đảm an ninh.
Riêng Kabul là nơi Thị trưởng thành phố do Tổng thống lựa chọn và hoàn toàn độc lập với quận trưởng Tỉnh Kabul.
Kinh tế
Afghanistan là một nước rất nghèo, một trong những nước nghèo và kém phát triển nhất thế giới. Hai phần ba dân số nước này sống với chưa đến 2 dollar Mỹ một ngày. Nền kinh tế đã phải chịu rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ tình trạng bất ổn chính trị và quân sự từ cuộc chiến tranh xâm lược của Xô viết từ năm 1979 và những cuộc xung đột tiếp sau đó, ngoài ra tình trạng hạn hán nặng nề cũng gây rất nhiều khó khăn cho đất nước này trong giai đoạn 1998-2001.[39][40]
Dân số tham gia tích cực vào hoạt động kinh tế năm 2002 khoảng 11 triệu người (trong tổng cộng khoảng 29 triệu). Tuy không có con số chính thức về tỷ lệ thất nghiệp, ước tính khoảng 3 triệu người, và dường như tăng thêm khoảng 300.000 người mỗi năm.[41]
Tuy nhiên, Afghanistan đã đạt được mức hồi phục và tăng trưởng kinh tế đáng khâm phục từ năm 2002. Giá trị GDP thực, không tính thuốc phiện, đã tăng 29% năm 2002, 16% năm 2003, 8% năm 2004 và 14% năm 2005.[42] Một phần ba GDP Afghanistan có từ hoạt động trồng cây anh túc và buôn bán trái phép các loại chất có nguồn gốc hay có dẫn xuất từ thuốc phiện, morphine và heroin, cũng như sản xuất hashish.[1]
Một lợi thế khác, những nỗ lực quốc tế nhằm tái thiết Afghanistan đã dẫn tới sự thành lập Chính quyền Lâm thời Afghanistan (AIA), kết quả của Thỏa thuận Bonn tháng 12 năm 2001 Bonn, và sau đó là Hội nghị các Nhà tài trợ cho việc Tái thiết Afghanistan tại Tokyo năm 2002, với 4,5 tỷ dollar được hứa hẹn tài trợ và số vốn này sẽ được Nhóm Ngân hàng Thế giới quản lý. 4 tỷ dollar khác cũng được hứa hẹn cho vay năm 2004 và tiếp đó là 10,5 tỷ dollar đầu năm 2006 tại Hội nghị London.[43]
Đầu năm 2007, 11,6 tỷ dollar đã được cam kết tài trợ cho nước này từ riêng Hoa Kỳ. Những lĩnh vực được ưu tiên tái thiết gồm việc tái xây dựng hệ thống giáo dục, sức khoẻ, các cơ sở y tế, tăng cường năng lực quản lý hành chính, phát triển lĩnh vực nông nghiệp và tái thiết đường xá, năng lượng và viễn thông.
Theo một bản báo cáo năm 2004 của Ngân hàng Phát triển Châu Á, nỗ lực tái thiết hiện tại tập trung vào hai hướng: thứ nhất chú trọng tái thiết các cơ sở hạ tầng quan trọng và thứ hai, xây dựng các cơ sở hiện đại trong lĩnh vực công cộng từ những tàn dư của kiểu kế hoạch hóa Xô viết sang kiểu hướng mạnh vào phát triển kinh tế thị trường.[41] Năm 2006, hai công ty Hoa Kỳ, Black & Veatch và Louis Berger Group, đã thắng một hợp đồng trị giá 1,4 tỷ dollar xây dựng lại đường xá, các hệ thống cung cấp điện nước cho Afghanistan.[44]
Một trong những định hướng chính của việc khôi phục kinh tế hiện nay là hồi hương cho hơn 4 triệu người tị nạn từ các quốc gia và phương Tây, những người sẽ mang theo về nguồn nhân lực mới, mối quan hệ, tay nghề cũng như nguồn vốn cần thiết cho việc khởi động lại nền kinh tế. Một yếu tố tích cực khác là con số viện trợ từ 2 đến 3 tỷ dollar mỗi năm từ cộng đồng quốc tế, việc hồi phục một phần lĩnh vực nông nghiệp, và việc tái xây dựng các định chế kinh tế.
Những kế hoạch phát triển khu vực tư nhân cũng đang được tiến hành. Năm 2006, một gia đình người Afghanistan tại Dubai đã mở một nhà máy đóng chai Coca Cola trị giá 25 triệu dollar tại Afghanistan.[45]
Con số thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này hiện được bù đắp phần lớn bởi khoản tiền từ các nhà tài trợ, chỉ một phần nhỏ – khoảng 15% – được lấy từ ngân sách chính phủ. Số còn lại được chia cho các khoản chi tiêu không thuộc ngân sách và những dự án do nhà tài trợ chỉ định thông qua hệ thống Liên hiệp quốc và các tổ chức phi chính phủ. Chính phủ có một quỹ trung ương chỉ 350 triệu dollar năm 2003 và ước tính đạt 550 năm 2004. Tổng dự trữ ngoại tệ quốc gia khoảng 500 triệu dollar. Nguồn thu đa số từ hải quan, bởi các nguồn thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp rất nhỏ nhoi.
Lạm phát từng là vấn đề nghiêm trọng tại nước này trước năm 2002. Tuy nhiên, việc hạ giá đồng Afghani năm 2002 sau khi đồng tiền mới được đưa vào lưu hành (1.000 Afghani cũ tương đương 1 Afghani mới) cộng với tình trạng ổn định hơn so với trước kia đã giúp giá cả ổn định và thậm chí giảm bớt trong giai đoạn tháng 12 năm 2002 và tháng 2 năm 2003, phản ánh sự ưa thích với đồng Afghani mới. Kể từ đó, chỉ số lạm phát đã trở nên ổn định, hơi tăng vào cuối năm 2003.[41]
Chính phủ Afghanistan và các nhà tài trợ quốc tế dường như muốn chú trọng vào cải thiện các lĩnh vực nhu cầu then chốt, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, nhà ở và cải cách kinh tế. Chính phủ trung ương cũng tập trung vào việc cải thiện tình trạng lỏng lẻo trong chi trả lương và chi tiêu công cộng. Việc tái thiết lĩnh vực tài chính dường như cần một thời gian lâu dài để đạt tới thành công. Hiện tiềm có thể được chuyển ra và vào đất nước thông qua các kênh ngân hàng chính thức.
Từ năm 2003, hơn mười bốn ngân hàng mới đã được thành lập trong nước, gồm cả Standard Chartered Bank, Afghanistan International Bank, Kabul Bank, Azizi Bank, First MicroFinanceBank, và các ngân hàng khác. Một luật mới về đầu tư tư nhân đã quy định khoảng thời gian ưu đãi thuế từ ba tới bảy năm cũng như khoảng thời gian bốn năm miễn trừ thuế xuất khẩu nhằm khuyến khích các công ty.
Afghanistan là một thành viên đầy đủ của Tổ chức hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) và Tổ chức hợp tác kinh tế (ECO), các tổ chức khu vực, cũng như Tổ chức hội nghị Hồi giáo.
Một số dự án đầu tư tư nhân, với sự hỗ trợ của nhà nước, cũng đang hình thành tại Afghanistan. Một bản thiết kế ý tưởng ban đầu được gọi là Thành phố ánh sáng, do Tiến sỹ Hisham N. Ashkouri, Giám đốc ARCADD, Inc. đề xuất cho một dự án phát triển và thực hiện dựa trên cơ sở đầu tư hoàn toàn tư nhân đã được đề xuất với mục tiêu hình thành một khu đa chức năng thương mại, lịch sử và phát triển văn hóa bên trong Thành phố Cổ Kabul dọc bờ nam Sông Kabul và dọc Đại lộ Jade Meywand,[46] đem lại sức sốc mới cho một trong những khu vực thương mại và lịch sử quan trọng nhất bên trong Thành phố Kabul, với nhiều thánh đường và lăng mộ lịch sử cũng như các khu vực hoạt động thương mại đã bị tàn phá trong chiến tranh. Trong bản thiết kế này cũng bao gồm một phức hợp cho Bảo tàng Quốc gia Afghanistan.
Tuy những dự án đó sẽ giúp xây dựng lại một cơ sở căn bản của quốc gia trong tương lai, hiện tại, một nửa dân số vẫn phải sống trong tình trạng thiếu lương thực, quần áo, nhà cửa và các vấn đề khác do các hoạt động quân sự và sự bất ổn chính trị gây ra. Chính phủ không đủ mạnh để thu thuế và phí từ tất cả các tỉnh vì tình trạng lãnh chúa địa phương. Tình trạng gian lận lừa đảo và "tham nhũng xuất hiện trong hàng loạt tổ chức chính phủ Afghanistan.[47]
Điều tốt lành với Afghanistan là nước này có tiềm năng để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nghèo đói để trở thành một quốc gia ổn định. Nhiều bản báo cáo cho thấy đất nước sở hữu nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản quan trọng, có giá trị trên thị trường thế giới. Theo Nghiên cứu của US Geological và Bộ Công nghiệp và Mỏ Afghanistan, nước này có thể sở hữu tới 36 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên, 3,6 tỷ barrel dầu mỏ và tới 1.325 triệu barrel khí gas hóa lỏng. Điều này có thể đánh dấu bước ngoặt trong những nỗ lực tái thiết Afghanistan. Xuất khẩu dầu mỏ có thể mang lại nguồn thu Afghanistan cần để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và mở rộng các cơ hội kinh tế cho đất nước.[18] Những báo cáo khác cho rằng nước này có khá nhiều nguồn tài nguyên vàng, đồng, than, quặng sắt và các khoáng sản giàu khác.[
Nhân khẩu
Dân cư Afghanistan được chia thành nhiều nhóm sắc tộc khác nhau. Vì một cuộc điều tra dân số có hệ thống chưa từng được thực hiện ở nước này trong nhiều thập kỷ, con số chính xác về số lượng và thành phần các nhóm dân tộc hiện chưa được biết.[48] Vì thế những con số dưới đây chỉ có tính ước đoán.
“ On a functional level, Afghanistan cannot be subjectively examined under the Western conception of either a state or a nation. The country simply does not operate in any sense of either definition at this time. Both a limited security apparatus and stalled international support have done little to cultivate ancient divisions based on ethnic and religious elements. J. Feiser, Asia Times[49] ”
Ngôn ngữ
Theo CIA factbook các ngôn ngữ được sử dụng ở Afghanistan gồm: tiếng Ba Tư (chính thức được gọi là Dari, nhưng được biết đến rộng hơn dưới cái tên Farsi) 50% và Pashto 35%; cả hai đều là các ngôn ngữ Indo-European từ tiểu hệ ngôn ngữ Iran. Tiếng Pashto và Ba Tư là các ngôn ngữ chính thức của quốc gia. Tiếng Hazaragi, của cộng đồng thiểu số Hazara, là một thổ ngữ của tiếng Ba Tư.
Các ngôn ngữ khác gồm các ngôn ngữ Turkic (chủ yếu là Uzbek và Turkmen) 9%, cũng như 30 ngôn ngữ nhỏ khác chiếm 4% (chủ yếu gồm Balochi, Nuristani, Pashai, Brahui, các ngôn ngữ Pamir, Hindko, Hindi/Urdu, vân vân.). Số người thạo nhiều ngôn ngữ rất đông.
Theo Từ điển bách khoa Iran,[50] ngôn ngữ Ba Tư là tiếng mẹ đẻ của khoảng một phần ba dân số Afghanistan, và nó cũng là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất trong nước, với khoảng 90% dân số. Từ điển bách khoa này cũng cho rằng tiếng Pashto được khoảng 50% dân số sử dụng.
Các nhóm sắc tộc
Dưới đây là sự phân bố các nhóm sắc tộc gần đúng dựa trên CIA World Factbook[1
Từ điển bách khoa toàn thư Anh đưa ra một danh sách nhóm sắc tộc Afghanistan hơi khác:[51]
* 49% Pashtun
* 18% Tajik
* 9% Hazara
* 8% Uzbek
* 4% Aimak
* 3% Turkmen
* 9% khác
Dựa trên những con số từ cuộc điều tra dân số thập niên 1960 tới 1980, cũng như thông tin có được từ các học giả,[52] Bách khoa toàn thư Iran đưa ra danh sách sau:[52]
* 36,4% Pashtun
* 33,6% Tajik, Farsiwan, và Qezelbash
* 8,0% Hazara
* 8,0% Uzbek
* 3,2% Aimak
* 1,6% Baloch
* 9,2% khác
Tôn giáo
Theo tôn giáo, Hơn 99% người dân Afghanistan là người Hồi giáo: khoảng 74-89% thuộc hệ phái Sunni và 9-25% thuộc Shi'a[51][1][53] (những con số ước tính có thể khác biệt). Có khoảng 30.000 tới 150.000 người Ấn giáo và người đạo Sikh sống tại nhiều thành phố nhưng chủ yếu tại Jalalabad, Kabul, và Kandahar.[54][55]
Tương tự, có một cộng đồng người Do Thái nhỏ tại Afghanistan (Xem Người Do Thái Bukharan) họ đã bỏ chạy khỏi đất nước sau cuộc xâm lược năm 1979 của Xô viết, và ngày nay chỉ duy nhất một người Do Thái là Zablon Simintov, còn ở lại nước này.[56]
Văn hóa
Người Afghanistan tự hào về tôn giáo, quốc gia, tổ tiên, và trên tất cả là nền độc lập của họ. Như những người dân vùng cao nguyên khác, người Afghanistan được cho là nhanh nhạy và mến khách, vì họ rất coi trọng danh dự cá nhân, vì sự trung thành với dòng tộc và vị sự sẵn sàng mang theo và sử dụng vũ khí để giải quyết các tranh chấp.[57] Vì các cuộc tranh chấp bộ tộc và những cuộc tàn sát phong kiến đã trở thành một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của họ từ xa xưa, kiểu chủ nghĩa cá nhân tiêu biểu này đã là một trở ngại lớn đối với những kẻ xâm lược từ bên ngoài.
Afghanistan có mộc lịch sử phức tạp thể hiện qua những nền văn hóa hiện nay của họ cũng như dưới hình thức nhiều ngôn ngữ và công trình kiến trúc khác. Tuy nhiên, nhiều công trình kiến trúc lịch sử quốc gia đã bị tàn phá trong những cuộc chiến gần đây. Hai pho tượng Phật tại Tỉnh Bamiyan đã bị lực lượng Taliban, những kẻ coi đó là sự sùng bái thần tượng, phá huỷ. Các địa điểm nổi tiếng khác gồm các thành phố Kandahar, Herat, Ghazni và Balkh. Tháp Jam, tại thung lũng Hari Rud, là một địa điểm di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Tấm áo choàng của Muhammad được cất giữ bên trong Khalka Sharifa nổi tiếng tại Thành phố Kandahar.
Buzkashi là một môn thể thao quốc gia tại Afghanistan. Nó tương tự như polo và những người chơi cưỡi trên lưng ngựa chia thành hai đội, mỗi bên tìm cách chiếm và giữ xác một con dê. Chó sói Afghanistan (một kiểu chó đua) cũng có nguồn gốc từ Afghanistan.
Dù tỷ lệ người biết chữ thấp, thi ca Ba Tư đóng một vai trò rất quan trọng trong văn hóa Afghanistan. Thi ca luôn là một môn học quan trọng tại Iran và Afghanistan, tới mức nó đã thống nhất vào trong văn hóa. Văn hóa Ba Tư, từng, và luôn luôn, có ảnh hưởng lớn trong văn hóa Afghanistan. Những cuộc thi thơ giữa cá nhân được gọi là “musha’era” thường xuất hiện trong những người bình dân. Hầu như mọi gia đình đều sở hữu một hay nhiều tập thơ ở mọi kiểu, thậm chí khi chúng không được mang ra đọc thường xuyên.
Các thổ ngữ phía đông của ngôn ngữ Ba Tư thường được gọi là "Dari". Cái tên này xuất xứ từ từ "Pārsī-e Darbārī", có nghĩa Tiếng Ba Tư của các triều đình hoàng gia. Thuật ngữ Darī cổ – một trong những cái tên gốc của ngôn ngữ Ba Tư – was đã được tái sinh trong hiến pháp Afghanistan năm 1964, và có mục tiêu "biểu thị rằng người Afghanistan coi quốc gia của họ là cái nôi của ngôn ngữ. Vì thế, cái tên Fārsī, ngôn ngữ của người Fārs, thường bị tránh nhắc tới. Theo quan điểm này, chúng ta có thể coi sự phát triển cảu Dari hay văn học Ba Tư trong thực thể chính trị được gọi là Afghanistan."[58]
Nhiều nhà thơ Ba Tư nổi tiếng trong giai đoạn thế kỷ thứ mười đến thế kỷ mười lăm xuất thân từ Khorasan nơi được coi là Afghanistan ngày nay. Đa số họ cũng là các học giả trong nhiều trường phái khác nhau như ngôn ngữ, khoa học tự nhiên, y học, tôn giáo và thiên văn học.
* Mawlānā Rumi, sinh ra và học tập tại Balkh ở thế kỷ mười ba và đã tới Konya ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay
* Rabi'a Balkhi (nhà thơ nữ đầu tiên trong Lịch sử Thi ca Ba Tư, thế kỷ thứ mười, nguồn gốc Balkh)
* Daqiqi Balkhi (thế kỷ thứ mười, nguồn gốc Balkh)
* Farrukhi Sistani (thế kỷ thứ mười, nhà thơ hoàng gia Ghaznavids)
* Unsuri Balkhi (nhà thơ thế kỷ thứ mười/mười một, xuất thân Balkh)
* Khwaja Abdullah Ansari (thế kỷ mười một, từ Herat)
* Anvari (thế kỷ mười hai, sống và qua đời tại Balkh)
* Sanā'ī Ghaznawi (thế kỷ mười hai, xuất thân Ghazni)
* Jāmī xứ Herāt (thế kỷ mười lăm, xuất thân tại Herat phía tây Afghanistan), và cháu trai của ông Abdullah Hatifi Herawi, một nhà thơ nổi tiếng khác
* Alī Sher Navā'ī, (thế kỷ mười lăn, Herat).
Đa số những nhân vật trên đều là người Ba Tư (Tājīk) theo sắc tộc và đây vẫn là nhóm sắc tộc lớn thứ hai tại Afghanistan. Tương tự, một số nhà thơ và tác gia tiếng Ba Tư hiện đại, những người khá nổi tiếng trong thế giới sử dụng tiếng Ba Tư, gồm Ustad Betab, Qari Abdullah, Khalilullah Khalili,[59] Sufi Ghulam Nabi Ashqari,[60] Sarwar Joya, Qahar Asey, Parwin Pazwak và những người khác. Năm 2003, Khaled Hosseini đã xuất bản cuốn The Kiterunner, dù chỉ là tiểu thuyết nhưng đã thể hiện đa phần lịch sử, chính trị và văn hóa xảy ra tại Afghanistan từ thập niên 1930 tới nay.
Ngoài các nhà thơ và tác gia, nhiều nhà khoa học Ba Tư cũng có nguồn gốc từ nơi hiện được gọi là Afghanistan. Nổi tiếng nhất là Avicenna (Abu Alī Hussein ibn Sīnā), cha ông xuất thân từ Balkh. Ibn Sīnā, người đã tới Isfahan để lập ra một trường y tại đó, được một số học giả coi là "người cha của y học hiện đại".
George Sarton đã gọi ibn Sīnā là "nhà khoa học nổi tiếng nhất của Hồi giáo và một trong những người nổi tiếng nhất ở mọi sắc tộc, địa điểm và thời đại". Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông gồm Sách chữa vết thương (The Book of Healing) và Luật lệ ngành y (The Canon of Medicine), cũng được gọi là Qanun. Câu chuyện về Ibn Sīnā thậm chí đã xuất hiện trong văn học hiện đại Anh qua cuốn Thầy thuốc (The Physician) của Noah Gordon, hiện đã được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng. Hơn nữa, theo Ibn al-Nadim, Al-Farabi, một nhà khoa học và triết học nổi tiếng, cũng xuất thân từ Tỉnh Faryab Afghanistan.
Trước khi Taliban lên nắm quyền lực, thành phố Kabul là nơi có nhiều nhạc sĩ bậc thầy cả về âm nhạc truyền thống và hiện đại Afghanistan, đặc biệt trong lễ hội Nauroz. Ở thế kỷ hai mươi Kabul từng là trung tâm văn hóa được coi như Wien ở thế kỷ mười tám và mười chín.
Hệ thống bộ tộc, quy định cuộc sống của hầu hết mọi người bên ngoài các khu đô thị, và có ảnh hưởng mạnh mẽ theo các thuật ngữ chính trị. Những người đàn ông có một lòng trung thành cuồng nhiệt với bộ tộc của mình, tới mức, khi được kêu gọi, họ sẵn sàng tập trung lại với vũ khí trong tay dưới quyền lãnh đạo của người đứng đầu bộ tộc cũng các lãnh đạo dòng họ (Khans). Trên lý thuyết, theo luật Hồi giáo, mọi tín đồ đều phải đứng lên cầm vũ khí theo lời hiệu triệu (Ulul-Amr) của thủ lãnh.
Heathcote coi hệ thống bộ tộc là cách thức tốt nhất để tổ chức những nhóm người lớn trong một quốc gia với những khó khăn địa lý, và trong một xã hội, từ quan điểm duy vật, có phong cách sống đơn giản.
Cơ sở hạ tầng
Viễn thông và Công nghệ
Afghanistan đã tăng cường nhanh chóng công nghệ viễn thông, và đã thành lập các công ty truyền thông không dây, internet, đài phát thanh cùng các đài truyền hình. Các công ty viễn thông Afghanistan, Afghan Wireless, Roshan và Areeba, đã góp phần vào việc làm gia tăng nhanh chóng số lượng người sử dụng điện thoại di động. Năm 2006, Bộ viễn thông Afghanistan đã ký kết một thỏa thuận trị giá 64,5 triệu dollar Mỹ với một công ty (ZTE Corporation) về việc thành lập một mạng lưới cáp quang rộng khắp quốc gia. Dự án này sẽ cải thiện các dịch vụ điện thoại, internet, vô tuyến và truyền thanh trên toàn quốc.[61]
Các kênh truyền hình Afghanistan gồm:
* Truyền hình Quốc gia Afghanistan
* Aina TV
* Ariana TV
* Lamar TV
* Shamshad TV
* Tolo TV
* Ariana Afghanistan TV (phát sóng từ Hoa Kỳ)
Giao thông
Công ty hàng không thương mại Afghanistan Ariana Afghan Airlines, hiện có đường bay tới Frankfurt, Dubai và Istanbul khứ hồi từ Kabul và Herat. Afghanistan cũng đã cải thiện chất lượng xe cộ của mình với sự hiện diện của các đại lý Toyota, Land Rover, BMW và Hyundai trên khắp Kabul, và một khu vực trưng bày xe second-hand từ Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất tại Kandahar. Tuy Afghanistan vẫn còn một chặng đường dài về công nghệ hiện đại phía trước nhưng họ đang tiến bước khá nhanh trên con đường đó.
Giáo dục
Mùa xuân năm 2003, ước tính 30% trong số 7.000 trường học tại Afghanistan đã bị hư hại nặng nề sau hơn hai thập kỷ nội chiến. Theo báo cáo, chỉ một nửa số trường có nước sạch, và chưa tới 40% có điều kiện vệ sinh thích hợp. Giáo dục cho trẻ em trai không phải là vấn đề được ưu tiên ở thời chính quyền Taliban, trẻ em gái bị cấm tới trường.
Vì tình trạng nghèo đói và bạo lực xung quanh, một cuộc nghiên cứu năm 2002 của Quỹ Cứu trợ Trẻ em cho thấy trẻ em Afghanistan rất nhanh nhạy và dũng cảm. Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy những định chế vững chắc trong gia đình và cộng đồng.
Năm 2006, trên khắp đất nước hơn bốn triệu học sinh nam và nữ đã được tới trường. Giáo dục tiểu học hoàn toàn miễn phí và tự do với cả trẻ em trai và gái.
Tỷ lệ biết đọc biết viết toàn quốc ước tính khoảng 36%, tỷ lệ biết đọc viết của nam là 51% nữ là 21%. Hiện nay có 9.000 trường học trên toàn quốc.
Một khía cạnh giáo dục khác đang nhanh chóng thay đổi tại Afghanistan, đó là giáo dục bậc cao. Sau sự sụp đổ của chính quyền Taliban, Đại học Kabul đã mở cửa trở lại cho cả sinh viên nam và nữ. Năm 2006, Đại học Mỹ tại Afghanistan cũng đã mở cửa, với mục tiêu cung cấp các lớp học tiêu chuẩn thế giới, với môi trường giáo dục tốt, sử dụng tiếng Anh tại Afghanistan. Trường đại học nhận cả các sinh viên Afghanistan và từ các nước láng giềng. Công việc xây dựng Đại học Balkh tại Mazari Sharif cũng sẽ sớm bắt đầu. Tòa nhà mới của trường sẽ được xây dựng trên khuôn viên rộng 600 acre với chi phí 250 triệu dollar.
Theo Wikipedia